Blog Post

Tự lau cảm biến (sensor) máy ảnh bằng bút đầu gel

Sep 21, 2017

Một vấn đề người dùng máy ảnh sớm hay muộn cũng mắc phải là việc bụi bám lại trên bề mặt cảm biến và tạo ra các đốm màu đen khó chịu trên ảnh, nhất là khi chụp cảnh với khẩu độ nhỏ hoặc là chụp ngược sáng. Vấn đề này thậm chí còn xảy ra thường xuyên hơn với người dùng máy ảnh không gương lật do cảm biến luôn ở tình trạng tiếp xúc với không khí bên ngoài mà không được che bởi màn trập và gương lật như với máy DSLR. Cảm biến là bộ phận đặc biệt quan trọng của máy ảnh và có thể rất tốn kém khi bạn cần sửa chữa nên một câu hỏi đặt ra là khi phát hiện ra cảm biến bị bẩn, các bạn sẽ phải ra hàng làm vệ sinh hay có thể tự làm lấy được, hay mức độ bẩn nào và phương pháp nào bạn có thể tự xử lý lấy được mà vẫn đảm bảo an toàn cho máy ảnh. Trong bài biết này Vsion sẽ giới thiệu với các bạn một phương pháp là sử dụng bút đầu gel để lau bẩn cảm biến.

Hiện nay có nhiều lựa chọn để lau cảm biến như phương pháp dùng dung dịch ướt, dùng chổi lau (swab), dùng máy hút bụi chuyên dụng cho máy ảnh (hình dạng giống ống kính) và phương pháp dùng gel như Vsion sẽ giới thiệu ngày hôm nay. Với phần lớn người dùng, mình không khuyến khích sử dụng phương pháp dùng dung dịch vì phương pháp này cần thao tác rất cẩn thận và phải sử dụng đúng loại dung dịch để không bám lại các vết hóa chất hay làm xây sát cảm biến, còn phương pháp dùng chổi lau cảm biến thì đầu chổi không đủ mềm nên đôi khi vẫn có thể làm xây xước cảm biến. Phương pháp sử dụng gel thực ra đã được sử dụng từ lâu trong công nghiệp chế tạo máy ảnh, tuy nhiên do sản phẩm đắt nên trong một thời gian dài không đến được tay người dùng bình dân. Hiện nay loại bút đầu gel đắt và có chất lượng cao nhất cũng là loại đầu tiên có trên thị trường (và bị các hãng Trung Quốc làm giả rất nhiều, các bạn nên tránh các loại này do chất lượng kém sẽ gây hại với cảm biến) có tên Sensor Gel Stick ($55) mà các bạn có thể xem review của trang Fstoppers ở video bên dưới. Mình sẽ nói về các loại sản phẩm kỹ hơn ở cuối bài. Trong bài viết giới thiệu này, mình xin chia sẻ trải nghiệm của mình với một loại bút đầu gel của Hàn Quốc, có tên Matin CMOS/CCD Cleaner .

Bút lau cảm biến đầu gel thực chất là một loại silicon trong suốt có độ bám dính nhẹ nên khi áp đầu silicon này lên bề mặt cảm biến thì các loại bụi bẩn sẽ bám vào đầu gel này và bạn có thể lấy ra rất dễ dàng. Trong các bộ kit của bút gel các bạn sẽ được cung cấp một loại giấy dính hoặc bề mặt dính (như trong kit của Matin) để chuyển bụi bẩn từ đầu gel sang bề mặt này do độ dính của nó cao hơn đầu bút. Nếu bạn dùng Matin thì trong hộp bút có một miếng cao su màu đen được dính một lớp nylon mỏng ở trên mà bạn cần bóc ra để lộ ra bề mặt dính bên dưới. Còn với bộ kit của Sensor Gel Stick thì các bạn sẽ nhận được 10 miếng giấy dính màu trắng.

Trong bộ kit của Matin có 2 cây bút, một loại có thiết diện hình vuông lớn xấp xỉ 1 cm x 1 cm dùng để dính bụi ở phần lớn bề mặt cảm biến, còn một loại là đầu bút nhỏ có thiết diện hình chữ nhật có thể giúp bạn tiếp cận được mép và góc cảm biến hoặc khi không muốn dính lên bề mặt lớn.

BƯỚC 1: MIRROR LOCKUP VÀ THỔI BỤI

Đối với máy mirrorless thì các bạn không cần thực hiện bước này do cảm biến luôn luôn ở trạng thái mở và bạn có thể lau bẩn ngay khi máy đang tắt, nhưng với máy DSLR và DSLT, do phía trước cảm biến có gương lật và màn trập đóng nên các bạn phải loại bỏ các "chướng ngại vật" này để có thể tiếp xúc được với cảm biến.

Với máy DSLR (Canon, Nikon, Pentax...), trong máy có chức năng Mirror Lockup và cách dùng chức năng này hơi khác nhau giữa các hãng nên các bạn nên xem kỹ hướng dẫn sử dụng để lật phần kính lật lên. Ví dụ như với máy Canon các bạn có thể tìm thấy chức năng Mirror Lockup trong Menu, dùng phím SET để chỉnh chức năng này về Enable, sau đó khi bạn ấn nút chụp thì gương lật sẽ tự động lật lên và bạn có thể hạ nó xuống nếu tắt nguồn máy ảnh. Do trong quá trình lau cảm biến bạn phải bật máy ảnh nên cần phải sạc pin cho đầy trước khi tiến hành vệ sinh. Một số máy ảnh sẽ tự động không cho phép bạn dùng chức năng Mirror lockup này nếu pin không còn nhiều.

Với máy DSLT , do phần gương phía trước cảm biến không bao giờ lật lên nên khả năng cảm biến bị bám bụi cũng ít hơn rất nhiều. Tuy nhiên nếu bạn thực sự cần lau cảm biến thì bạn phải tháo phần gương này ra (khá dễ dàng nhưng cũng cần cẩn thận) như trong video dưới đây.

Sau khi có thể tiếp cận cảm biến, các bạn cần thổi bụi cho sạch trên bề mặt cảm biến và thân máy xung quanh ngàm bằng cái thổi bụi bóp tay hoặc dùng chổi mềm phủi bụi (phải ở tình trạng rất sạch). Thao tác này rất quan trọng để bụi không rơi vào cảm biến trong quá trình bạn lau bẩn, có thể gây xước cảm biến nếu bạn lỡ di đầu bút trên bề mặt cảm biến. Tốt nhất hãy chọn một khu vực sạch, ít bụi lơ lửng trong không khí và không dùng quạt trong quá trình lau bẩn.

BƯỚC 2: DÍNH BỤI VÀO ĐẦU BÚT GEL

Khi bắt đầu lau bẩn, các bạn cần đưa đầu bút tiếp xúc với bề mặt cảm biến, ấn nhẹ xuống cho đầu bút dính với bề mặt cảm biến, sau đó nhấc nhẹ bút ra. Tốt nhất là đầu bút cần đưa vào theo góc gần như vuông 90 độ với cảm biến và bạn cần tiến thành thao tác chậm rãi, không làm nhanh và không được di bút trên mặt cảm biến. Nhớ là thao tác chỉ bao gồm chấm đầu bút xuống và nhấc lên.

Sau khi đã lấy bụi bẩn ra bằng bút lớn, các bạn có thể dùng bút nhỏ để dính bụi ở các phần cạnh. Phần bụi bẩn dính trên đầu bút có thể được chuyển sang bề mặt dính bằng thao tác tương tự và các bạn có thể dùng đầu bút rất nhiều lần cho các máy khác nhau.

BƯỚC 3: ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ SẠCH CỦA CẢM BIẾN

Để kiểm chứng cho hiệu quả của bút gel Matin, mình tiến hành lau bụi trên cảm biến của Sony A7ii (chưa từng lau một lần nào trong suốt 2 năm sử dụng). Đầu tiên mình đánh giá mức độ bụi của cảm biến bằng cách hạ khẩu ống kính xuống nhỏ nhất, để ISO thấp và chụp một bề mặt trắng đều (màn hình máy tính màu trắng). Ảnh chụp RAW nên sau khi chụp mình có thể hạ sáng và điều chỉnh độ sáng đều trên toàn bộ bề mặt hình, cũng như tăng nét, tăng độ tương phản để nhìn thấy hết những chi tiết chưa hiện rõ. Như các bạn thấy, trên bề mặt của máy có rất nhiều loại bụi lớn nhỏ, đặc biệt là ở phần rìa sensor.

Và đây là kết quả sau khi lau bẩn bằng bút đầu gel Matin, gần như không còn chút vết tích nào của các vết bẩn nữa (một số đốm hơi mờ là do bụi bám trên ống kính chứ không phải trên cảm biến). Nếu thấy còn vết bẩn, tốt nhất bạn hãy đối chiếu bằng cách chụp 2 ống kính khác nhau để loại bỏ khả năng vết bẩn do ống kính. Khi đã xác định được vết bẩn còn ở đâu thì bạn tiến hành lại các thao tác lau với khu vực được xác định qua ảnh chụp.

MỘT SỐ LƯU Ý KHI DÙNG BÚT ĐẦU GEL ĐỂ LAU CẢM BIẾN

Một giới hạn của loại bút này là nó không hiệu quả để loại bỏ các vết dầu như vân tay mà chủ yếu được dùng để loại bỏ các vết bụi bẩn. Phần lớn các loại bụi bẩn không phải dạng dầu và nếu không may bạn bị vết bẩn dầu thì phương pháp lau ướt mới đảm bảo loại bỏ hết. Khi gặp trường hợp này, tốt nhất là các bạn nên mang máy ra cửa hàng có dịch vụ lau sensor chuyên nghiệp.

Với các máy ảnh có hệ thống chống rung trên máy (IBIS) như A7ii, mặc dù máy đang tắt nhưng cảm biến không nằm cố định ở một vị trí mà rất dễ lung lay theo mặt ngang khi bị chạm vào. Chính vì thế, khi tiến hành lau những cảm biến như thế này, bạn có thể dùng đầu bút nhỏ để hạn chế chuyển động của cảm biến và khi dính bụi cần làm chậm, chính xác, càng làm sensor di chuyển ít càng tốt. Đôi khi đầu bút sẽ có cảm giác hơi dính quá thì các bạn nên rút ra với lực tăng dần chứ không nên giật mạnh ra, có thể ảnh hưởng tới cảm biến.

Do đầu gel silicon có thể dính bất cứ thứ bụi nào trong không khí nên sau khi lau sensor, các bạn nên cất kỹ bút trong hộp đựng, tránh để ở ngoài hay tiếp xúc với tay hoặc các bề mặt khác.

Nếu các bạn cân nhắc sản phẩm đắt tiến của Sensor Gel Stick thì nên dùng loại có màu cam nếu bạn đang dùng Sony vì hãng có lưu ý là loại màu xanh có thể để lại vết hóa chất trên bề mặt cảm biến của Sony (do loại coating dùng trên cảm biến của Sony), còn nếu các bạn đang dùng các hãng khác hay DSLR thì loại màu xanh da trời không gặp vấn đề gì. Tránh sử dụng các loại hàng nhái của Trung Quốc.

Ngoài Sensor Gel Stick (thị trường Mỹ), ở Châu Âu có một sản phẩm tương tự là Eyelead . Ở thị trường Châu Á, như nhiều đánh giá và mình đã thử dùng thì Matin đem lại kết quả rất tốt với mức giá chỉ bằng gần một nửa (khoảng 500 nghìn đồng).

Nếu các bạn không mang máy đi xa chụp cảnh nhiều thì có thể vấn đề này sẽ không ảnh hưởng lắm, các bạn có thể làm vệ sinh máy định kỳ ở các cửa hàng để đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên nếu yêu cầu chụp của bạn bắt buộc phải thay ống kính thường xuyên và hay chụp khép khẩu thì vấn đề bụi sẽ thường xuyên gây rắc rối và có thể khiến bạn tốn rất nhiều thời gian xử lý hậu kỳ để loại bụi. Trong trường hợp đó, việc có một cái thổi bụi và một bộ kit lau sensor như thế này sẽ giúp bạn đỡ phiền toái hơn rất nhiều.

Dr. Fox
Bài viết do Dr. Fox thực hiện
Nghiêm cấm đăng lại trên các website hay ấn phẩm khác
Các bạn có thể gắn thẻ page của Vsion trên facebook để các admin có thể biết các bạn đã comment (bằng cách gõ thêm @vsion.vn)
Bài viết mới
Tamron 28-75mm vs Sigma Art FE 24-70mm vs. Sony FE 24-70mm GM
By Dr. Fox 15 Jan, 2020
So sánh 3 lens tiêu cự trung bình của hệ ngàm Sony FE: Tamron FE 28-75mm f/2.8, Sigma Art FE 24-70mm f/2.8, Sony FE 24-70mm f/2.8 GM.
Đánh giá Fuji X-Pro3 - Nguồn cảm hứng tuyệt vời
By N.Đ.Phan 04 Jan, 2020
Với X-Pro3, Fujifilm đã thực sự tạo ra một chiếc máy đầu bảng, một chiếc máy flagship mới của hãng để hoàn thiện cái triết lý của mình, một triết lý có phần bảo thủ, nhưng đúng với tư duy, con đường và chiến lược của Fujifilm từ trước đến nay.
By N.Đ.Phan 13 Jun, 2019
Đánh giá nhanh chiếc máy Ricoh GR III, ông vua của nhiếp ảnh đường phố
By Dr. Fox 17 May, 2019
Phân tích những thay đổi về đặc điểm và chất lượng ảnh khi upload lên Facebook để tìm ra phương pháp tối ưu
Share by: